Phát triển hệ thống trường đạt chuẩn

03:26 Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015 Bình luận
Là một trong những địa phương tập trung nhiều KCN, KCX, TP Hồ Chí Minh hiện đứng đầu cả nước về số lượng nhóm trông trẻ không phép. Bà Bùi Thị Diễm Thu (ảnh nhỏ), Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hồ Chí Minh trả lời Nhân Dân cuối tuần về kế hoạch phát triển hệ thống trường mầm non đạt chuẩn của thành phố.
Phát triển hệ thống trường đạt chuẩn
Nhu cầu gửi trẻ an toàn là ước mơ của nhiều công nhân.
- Thưa bà, để xảy ra sự thiếu hụt trầm trọng nhà trẻ, trường mầm non tại các KCN, KCX, có phần trách nhiệm không nhỏ từ chính quyền địa phương?

Trước đây, Chính phủ quy định KCN và KCX không có dân cư sinh sống, nên không có quỹ đất để xây dựng các công trình phục vụ tiện ích cho người lao động. Do đó, cùng với tốc độ phát triển công nghiệp hóa, thì hệ thống trường học của thành phố cũng thiếu hụt nghiêm trọng, không thể đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ, nhất là ở các quận ven có đông lao động nhập cư.

Tuy vậy, trách nhiệm cho việc mất cân đối cung cầu này, trước hết thuộc về UBND quận, huyện đã phân cấp quản lý. Theo điều 8 của Nghị định 115/2010/NĐ-CP, các quận, huyện có KCN và KCX thì chủ thể là Ban quản lý và các công ty đóng, trong đó có trách nhiệm xây dựng nhà trẻ, trường mầm non. Tuy nhiên, là ngành dọc, Sở GD-ĐT cũng có trách nhiệm phối hợp các sở, ngành liên quan quản lý và thực hiện.

- Theo quan điểm của Sở GD-ĐT thành phố Hồ Chí Minh, cần phải quản lý nhóm trường, nhóm lớp tư thục tự phát như thế nào để có thể bảo đảm giảm áp lực cho hệ thống trường công lập?

Đúng là hiện nhiều phụ huynh phải gửi trẻ ở các nhóm lớp hạn chế về chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, thậm chí còn gửi cả ở một số điểm giữ trẻ không có phép, không đáp ứng được các yếu tố về an toàn, về chất lượng của giáo viên mầm non. Một mặt, Sở chỉ đạo các Phòng GD-ĐT quận, huyện tăng cường phối hợp kiểm tra, xử phạt các cơ sở giữ trẻ mầm non không phép. Mặt khác, hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non tư thục hoàn thiện về cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, nhân viên nuôi dưỡng để bảo đảm yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm công tác an toàn cho trẻ.

Tuy nhiên, về lâu dài, thành phố đề ra mục tiêu giảm dần số trẻ học tại các nhóm, lớp ngoài công lập, đến năm 2020 tỷ lệ trẻ học mầm non: Mẫu giáo công lập: 60%; ngoài công lập: 40% (trong đó 35% trường; 5% nhóm lớp). Nhà trẻ công lập: 40%; ngoài công lập 60% (trong đó 50% trường; 10% nhóm lớp).

- Mục tiêu giảm dần số nhóm, lớp ngoài công lập như bà nói thật ấn tượng. Nhưng để đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng tại các KCN, KCX, thì xu thế tất yếu là phải đẩy mạnh được xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực này?

Trước thực tế khó khăn trong cuộc sống của gia đình công nhân, thành phố đã chỉ đạo UBND các quận, huyện cùng với các sở, ngành, BQL các KCN và các công ty phát triển hạ tầng triển khai tìm kiếm quỹ đất để xây dựng trường mầm non trong phần đất trích ra từ đất hạ tầng xã hội, đất tách ra từ KCN và đất từ khu dân cư liền kề. Đầu năm 2015, UBND thành phố giao kế hoạch đầu tư xây dựng (đợt 1) nguồn vốn ngân sách thành phố và nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), dự kiến hoàn thành xây dựng mới 217 phòng học mầm non. Trong năm 2016 tiếp tục trình xây dựng nhiều dự án mầm non công lập. Thành phố tiếp tục rà soát và phê duyệt các dự án tham gia Chương trình huy động vốn, cho vay ưu đãi đầu tư xây dựng trường mầm non. Chúng tôi cũng kiến nghị cấp trên tạo điều kiện để thực hiện chủ trương xã hội hóa trong đầu tư xây dựng mới các trường đạt chuẩn, giúp công nhân lao động an tâm làm việc lâu dài.

Mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa trình Thường trực HĐND xem xét thông qua ba dự án xây dựng trường mầm non phục vụ cho con em công nhân trong các KCN. Các dự án này có tổng số vốn đầu tư dự kiến là 116 tỷ đồng.

- Bà có thể chia sẻ một số chương trình hành động chăm sóc trẻ em tại các KCN, KCX của TP Hồ Chí Minh trong năm 2016?

Năm học 2014-2015, Sở GD-ĐT thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thực hiện thí điểm mô hình nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi tại 13 trường mầm non tại tám quận, huyện tập trung đông công nhân. Đúng tiến độ thì năm học 2016 - 2017, chúng tôi sẽ thực hiện đại trà việc nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi tại 24 quận, huyện.

Sở đang thực hiện Đề án Hỗ trợ, kiện toàn, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại bốn quận: Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức; hỗ trợ nâng cao năng lực cho người quản lý, giáo viên, bảo mẫu các nhóm trẻ độc lập tư thục và các bà mẹ, người chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi tại KCN. Phấn đấu mỗi quận kiện toàn nâng chất lượng 30% nhóm trẻ trên địa bàn, hỗ trợ nâng chất lượng 20 nhóm (năm nhóm/quận, trong đó hoàn chỉnh ba nhóm có phép và xây dựng hoàn chỉnh để cấp phép hai nhóm). Công tác chăm sóc con em công nhân là nhiệm vụ quan trọng, chúng tôi đang nỗ lực
hết sức.

- Xin cảm ơn bà!


Theo nhandan.org.vn
Tin tức liên quan
Tin mới cập nhật