Theo TS - BS Trần Thanh Phương, trưởng khoa ngoại 3, bệnh viện (BV) Ung bướu TP. HCM, có hơn 90% số ca ung thư (UT) thanh quản liên quan đến thuốc lá.
Bệnh nhân Trần Văn K bị UT thanh quản do hút thuốc, uống rượu hiện đang được điều trị tạ BV Ung bướu |
“Làm bạn” với thuốc lá từ năm 13 tuổi, ban đầu vì tò mò, muốn thể hiện “bản lĩnh” với các bạn trong xóm, anh Phan Minh T. (SN 1966, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) không biết mình nghiện từ khi nào và càng không ngờ vì thuốc lá mà suốt mấy tháng qua anh phải chữa chạy khắp nơi.
Anh T. kể: “Tôi nghiền thuốc lá hồi nào không hay, lúc đầu chỉ vài điếu rồi tăng lên một gói, gói rưỡi mỗi ngày. Tôi vốn làm ở bộ phận xét nghiệm của một phòng khám đa khoa, biết rõ hút thuốc có hại cho sức khỏe, nhưng bỏ thuốc nhiều bận không xong. Mãi cách đây bảy năm, đứa con nhỏ của tôi cứ bị ho, viêm phế quản, viêm phổi hoài, BS bảo có thể do bé hít khói thuốc lá từ ba, nên tôi bỏ luôn. Bây giờ tôi cầu trời mình không bị UT…”. Nói đến đó, anh T. thở dài.
Cách đây 5 tháng, anh T. bị khàn tiếng, đau họng, nuốt vướng nên anh nghĩ mình bị cảm và tự mua thuốc uống. Uống suốt một tháng không giảm, anh đến BV Q.Bình Thạnh khám, nơi đây kết luận anh bị viêm thanh quản.
Uống thuốc thêm bốn tuần không hết, anh đến một BV chuyên khoa tai mũi họng, BS nghi anh bị lao thanh quản, chuyển qua BV Phạm Ngọc Thạch làm xét nghiệm lao nhưng không phát hiện bệnh. Quay về BV Q.Bình Thạnh, BS nói thanh quản của anh bị viêm gây lở loét nên cần nạo vùng bị tổn thương.
Nhưng sau đó, anh T. vẫn còn khàn tiếng, nuốt vướng. Đến BV Ung Bướu, qua thăm khám, xét nghiệm, BS kết luận anh bị nghịch sản thanh quản (giai đoạn tiền UT thanh quản). Hiện anh đang điều trị tại khoa Ngoại 3 của BV này.
Không may mắn như anh T., khi có dấu hiệu khàn tiếng, ho, nuốt vướng, ông Nguyễn Văn M. (SN 1951 ở Cẩm Mỹ, Đồng Nai) đến khám ở BV Ung Bướu, BS xác định bị UT thanh quản. Bệnh UT của ông do “sát thủ” thuốc lá gây ra, cộng thêm “trợ thủ đắc lực” là rượu bia.
Hỏi ông uống rượu mấy ngày/tuần, ông hồn nhiên: “Bảy ngày”. Hỏi ông hút thuốc bao nhiêu điếu/ngày, ông nói: “Không tính điếu, tính gói không hà, gói rưỡi, hai gói”. 34 năm hú t thuốc, mười đầu ngón tay ông M. thâm sì khói thuốc.
Ông M. kể: “Hồi trước tôi có biết hút thuốc đâu, khi nhậu với mấy ông bạn trong xóm, mấy ổng nói khích tôi “không hút thuốc không phải đàn ông”. Tôi tự ái hút liền rồi nghiện luôn”. Ông M. cũng cho biết bỏ hút thuốc nhiều lần nhưng “lạt miệng” quá, chịu không được nên hút lại và ông không thể ngờ, nó đe dọ a mạng sống của ông.
Ông Trần Văn K. (SN 1964, ở Chợ Lách, Bến Tre) cũng bị UT thanh quản sau hơn 30 năm thuốc lá và rượu bia. Sau khi đến nhiều nơi từ BV huyện đến BV tỉnh, ông K. ngỡ mình bị cảm thông thường, nhưng bệnh ngày càng nặng.
Ông lên BV Ung Bướu khám vì khó thở, khàn tiếng và nuốt vướng. BS kết luận ông bị UT thanh quản và ông được khai khí đạo ngay - thủ thuật mở thông khí quản ra da nhằm giúp bệnh nhân dễ thở.
Khói thuốc lá có hơn 30 chất gây ung thư
Theo báo cáo mới đây của các nhà khoa học Mỹ, trong khói thuốc lá có đến 7.000 chất hóa học, trong đó có ít nhất 30 chất được xác định là nguyên nhân gây ra UT như: DDT/Dieldrin (chất dùng làm thuốc trừ sâu), toluene (dung môi công nghiệp), methanol formaldehyde (chất thường dùng ướp xác)…
Với từng ấy hóa chất độc hại, không chỉ người hút thuốc trực tiếp mà những người hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc) cũng chịu ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh: khói thuốc lá ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, dù chỉ hút một vài điếu trong ngày cũng làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch như: xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ... Ngoài ra, thuốc lá còn gây ra những bệnh lý như: lao phổi, UT, suy giảm sức khỏe sinh sản ở cả nam và nữ, thai phụ dễ bị sẩy thai, thai lưu hay thai nhi dị tật…
Thanh quản là một trong những nơi tiếp xúc trực tiếp và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thuốc lá. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc UT thanh quản gấp 13 lần so với người không hút thuốc.
Còn những người từng bị UT nhưng không bỏ hút thuốc thì tỷ lệ tái phát cao gấp bảy lần. Đối với những loại UT có liên hệ mật thiết đến thuốc lá như UT phổi, UT vòm họng, UT lưỡi, UT môi và đặc biệt là UT thanh quản, có đến 90% số ca mắc bệnh là do thuốc lá.
Theo phụ nữ online